Điểm tên những siêu dự án tâm linh bị thu hồi thời gian gần đây

14:39, 15/11/2019

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp có các nhà đầu tư xin chủ trương xây dựng dự án tâm linh hàng trăm tỷ đồng nhưng không được chấp nhận hoặc bị thu hồi trong quá trình xây dựng. Cùng điểm tên những dự án này!

Thu hồi dự án tâm linh trên núi Chín Khúc, Khánh Hòa

Ngày 14/11, UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết vừa ra quyết định thu hồi hơn 370ha đất thuộc dự án tâm linh Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc. Tỉnh ra quyết định thu hồi sau khi chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa có đơn xin trả lại đất dự án do không còn nhu cầu sử dụng.

Dự án Cửu Long Sơn Tự được UBND tỉnh Khánh Hoà giao đất (có thu tiền sử dụng đất) từ năm 2012 - 2015, tổng diện tích hơn 513ha, trong đó 370ha là đất khoanh nuôi tái sinh, phục hồi môi trường rừng. Diện tích thu hồi thuộc các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Phước Đồng (TP Nha Trang), Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp (huyện Diên Khánh) và xã Suối Cát (huyện Cam Lâm).


UBND tỉnh Khánh Hoà giao các địa phương chỉ đạo Phòng TN-MT các huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm và TP Nha Trang bàn giao mốc giới cho các xã để các xã quản lý theo quy định. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh được giao chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định và Cục thuế tỉnh chủ trì phối hợp các ngành xử lý tiền sử dụng đất theo quy định.

Dự án tâm linh Lũng Cú, Hà Giang không đúng quy hoạch

Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy ký văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang thông báo về 2 dự án tại Hà Giang gồm: Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và Thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn. 


Bộ VHTTDL cho hay: Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú nhưng nằm trong khu vực cảnh quan chung của di tích.

Đồng thời, vị trí xây dựng của Dự án nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại 2 Quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ( gọi tắt là Quy hoạch phát triển du lịch) và Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch xây dựng).

Do đó, quá trình triển khai Dự án Khu du lịch có yếu tố tâm linh này, ngoài việc thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, du lịch, tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của pháp luật liên quan, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và 2 Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Văn bản của Bộ VHTTDL chỉ rõ, trong quy hoạch phát triển du lịch, về phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo, Thủ tướng xác định rõ các loại hình: "Du lịch địa chất: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản địa chất và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; Du lịch cộng đồng: Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc; Du lịch thiên nhiên: Phát triển trên cơ sở khai thác các đặc trưng đa dạng sinh học và trải nghiệm thiên nhiên".

Tại Quy hoạch xây dựng xác định: "Khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú, diện tích 101,5 ha bao gồm phạm vi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan, dã ngoại".

Như vậy, Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú không thuộc các loại hình được xác định tại Quy hoạch phát triển du lịch và Quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật Di sản Văn hóa: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Tại Điều 15 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa: Khi thẩm định dự án cải tạo, xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích, phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích cấp tỉnh, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên trên thực tế, Dự án du lịch tâm linh Lũng Cú được triển khai thực hiện từ năm 2016 nhưng đến tháng 3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang mới có văn bản gửi Bộ VHTTDL để xin ý kiến đối với Dự án này.

Bộ VHTTDL 2 lần có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang để góp ý, hướng dẫn chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ Dự án gửi Bộ xem xét, thẩm định. Nhưng cho đến nay, Bộ VHTTDL chưa nhận được văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về hồ sơ Dự án đã hoàn chỉnh theo các ý kiến của Bộ để có thể thẩm định.

Bộ VHTTDL đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang tuân thủ đúng các nội dung tại 2 Quy hoạch nêu trên, các quy định của pháp luật hiện hành trong việc thực hiện Dự án này và các Dự án có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung.

Khu sinh thái tâm linh Lạc Thủy của Pacific - Hòa Bình chưa đủ điều kiện xem xét

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.

Theo đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã tiếp nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh Hoà Bình liên quan đến việc đề xuất chuyển đồi đất lúa để xây khu du lịch tâm linh Lạc Thủy 3.000 tỷ đồng.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10 ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng. Những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương.

"Ngày 10/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1267 chuyển đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét dự án này. Như vậy, dự án của tỉnh Hoà Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc Phòng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình trả lời về việc xin ý kiến địa điểm, ranh giới và nội dung đầu tư xây dựng dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy. Theo đó, Bộ Quốc phòng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Hoà Bình về địa điểm quy hoạch và sử dụng khu đất có diện tích khoảng 121,59ha tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư không được liên doanh, liên kết với nước ngoài (cả Việt Kiều); không được sử dụng lao động là nước ngoài để thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư phải có ý kiến thoả thuận của Bộ Quốc phòng, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thực hiện nghiêm các quy định trong triển khai dự án.

Ngoài ra Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu phối hợp với một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng xác định cụ thể vị trí, diện tích, ranh giới của dự án tại thực địa và giải quyết các vấn đề cụ thể có liên quan đến quốc phòng trong khu vực để không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng.

Theo thông tin trước đó, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng gần 48 ha đất trồng lúa để xây khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy. Dự án dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ do công ty TNHH một thành viên Pacific – Hoà Bình làm chủ đầu tư.

Thu hồi hai dự án du lịch gần căn cứ quân sự Cam Ranh

Ngày 20/10, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa xác nhận cơ quan này vừa ban hành các quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng- du lịch sinh thái Mũi Hời và dự án khu du lịch sinh thái Mũi Hời - Ngọc Sương. Lý do chấm dứt, thu hồi các dự án du lịch này là do nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư theo Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa, dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng- du lịch sinh thái Mũi Hời rộng 40ha do Công ty TNHH Văn Phong làm chủ đầu tư được tỉnh cấp chứng nhận đầu tư hồi năm 2011. Dự án khu du lịch sinh thái Mũi Hời - Ngọc Sương rộng 8 ha do Công ty CP Ngọc Sương làm chủ đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư năm 2012. Hai dự án trên nằm ở khu vực Mũi Hời thuộc xã Cam Lập, TP Cam Ranh. Cả hai dự án đều nằm hoàn toàn trong vành đai an ninh quốc phòng. Trước khi cho chủ trương đầu tư, tỉnh Khánh Hòa đã xin ý kiến Bộ Quốc phòng và được đồng ý.


http://vnmedia.vn/bat-dong-san/201911/diem-ten-nhung-sieu-du-an-tam-linh-bi-thu-hoi-thoi-gian-gan-day-a986d9c/

Nguồn: vnMedia.vn