Bánh đập lề đường

Thứ hai, 25/5/2020, 12:09

Bánh thì để nguyên mà ăn chứ sao lại đập? Thế mà từ Đà Nẵng đổ vào đến tận Nha Trang, bánh đập đã thành thứ đặc sản. Những hàng quán bên lề đường phố thị, hay chợ quê, đều có bánh đập.
Trên dải đồng bằng miền Trung hẹp như một vòng eo thon, không hiểu sao Trời lại thương cho hạt gạo nõn nà, thơm thảo. Và người miền Trung tráng bánh thoăn thoắt điệu nghệ như thần. Một chiếc nồi căng khung vải hơi nước bốc nghi ngút. Chậu bột nước trắng ngần và đôi tay nhoay nhoáy múc bột, nhoay nhoáy tráng và những lá bánh mềm mại cứ nhấc từ vùng hơi nước ấy lên. Bánh dùng để phơi khô làm thành bánh đa nem (gọi theo kiểu Bắc) hay đơn thuần là bánh tráng (gọi theo kiểu Nam). Thứ phơi khô  tráng dày mình còn để nướng.

Một lá bánh ướt vừa tráng đặt lên một chiếc bánh tráng nướng, thoa chút mỡ hành, gập đôi lại. Cùng là một thứ bánh, làm từ một thứ gạo, bánh đập là hai nửa vàng ròn và trắng mướt. Bánh đập đấy. Như cậu với mợ, như gái với trai. Tốt duyên vừa lứa. Thứ nhân duyên mang tên bánh đập lại được dầm trong mắm nêm mặn mòi chua ngọt như cuộc đời.




Mắm nêm làm từ thứ cá gì? Ủ bao lâu? Phụ gia những gì? Đừng hỏi, cứ ăn đi, tận hưởng hương vị đi. Tây Mỹ lần đầu còn kinh mùi vị, chứ quen rồi cũng bắt nghiện mắm nêm ấy chứ. Mà hay một nỗi là mỗi hàng bánh đập lại có vị mắm nêm khác nhau. Gia giảm tùy tay mà hàng này khác hàng kia chút ít. Tinh mồm là nhận ra ngay. Thế nên cứ hỏi người miền Trung xem. Có bà ăn quà bánh đập chung thủy hơn cả một mối tình, cũng chỉ vì vị mắm nêm.

Ở thành phố, hàng bánh đập lề đường cũng không to tát phô phang gì đâu. Lỏng chổng cái bàn gỗ, trên để trái ớt, nhánh tỏi dưới tấm bạt hay tấm nylon căng lên nơi hẻm nhỏ. Thêm chục nem, hay tré cùng chả lụa. Ăn cho sang mồm, chứ bánh đập chỉ nên ăn thuần là bánh đập chấm mắm nêm.

- Em Hà Nội vô hả? - Tôi từng được hỏi vậy khi ngu ngơ hỏi chị bán món gì bằng giọng Bắc kỳ chay.

- Dạ, vâng.

- Chị có hai thằng rể Bắc. Một thằng hắn khó ăn khó uống lắm. Thằng rể thứ thì món chi hắn cũng ăn. Hắn ăn như mình rứa, không kêu ca chi.

Chị kể quê chị Điện Bàn, vì yêu một anh mà lặn lội ra Đà Nẵng. “Lúc yêu thì đâu có nghĩ người ta ăn ở hai lòng ri? Chừ hắn vợ lẽ con thêm, chị mặc. Buôn bán qua ngày”.

Ngoài lề đường thì chỉ cần thế thôi, bẻ ra từng miếng bánh đập mà chấm với mắm nêm và gia giảm bằng việc nghe những tâm sự vụn. Vô nhà hàng cũng có bánh đập, ăn với heo quay hẳn hoi, nhưng đâu có ai ngồi trải lòng với mình? Vì chút cảm thông mà miếng bánh đập ngon ngọt thấm từ đầu lưỡi vào tận tim óc ấy chứ.

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống