Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2020

Thứ sáu, 26/6/2020, 8:51

Do thua lỗ từ các hoạt động kinh doanh, tồn tại tài chính từ nhiều năm trước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến lỗ gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2020.


Theo báo cáo về kế hoạch kinh doanh đã được Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phê duyệt vào tháng 6/2020, VNR dự kiến sản lượng và doanh thu hợp cộng bằng 77% trở lên so với năm 2019.

Doanh nghiệp này dự kiến lỗ sau thuế tới 1.394 tỷ đồng trong năm 2020.

Cụ thể, báo cáo của VNR cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến lỗ 711 tỷ đồng, trong đó, 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn dự kiến lỗ 618 tỷ đồng (đã tính đến tác động từ dự án 7.000 tỷ đồng và dự kiến đến hết tháng 6 công bố hết dịch Covid-19).

Công ty mẹ - VNR dự kiến lỗ 168 tỷ đồng (theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt ngày 9/1/2020, trong đó đã tính một phần ảnh hưởng từ dự án 7.000 tỷ nhưng chưa điều chỉnh theo ảnh hưởng của dịch Covid-19).

Còn lại, 20 công ty cổ phần đường sắt dự kiến lãi tổng cộng gần 70 tỷ đồng; 3 công ty cổ phần khối công nghiệp, cơ khí (chưa tính ảnh hưởng do dịch Covid-19) dự kiến lãi gần 5 tỷ đồng.

Ngoài thua lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh, VNR cũng dự kiến ghi nhận các khoản lỗ khác như: tồn tại tài chính từ những năm trước chuyển sang của công ty mẹ, chi phí phải trả, các khoản trích lập dự phòng dự kiến hạch toán đưa vào chi phí trong năm 2020 là 682 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản chi phí phải trả là 394 tỷ đồng (gồm tiền thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ là 341 tỷ đồng và chi phí lãi vay dự án mua ray của Áo đến năm 2018 là 53 tỷ đồng); các khoản trích lập dự phòng là 229 tỷ đồng (gồm dự phòng phải thu khó đòi 108 tỷ đồng; đầu tư tài chính vào công ty con lỗ 120 tỷ đồng).

Ngoài ra còn có chi phí khấu hao, hao mòn tài sản theo qui định phải hạch toán vào chi phí nhưng chưa có nguồn thu bù đắp tổng cộng gần 59 tỷ đồng.

Mức lỗ trên vẫn chưa tính đến tác động của dịch Covid-19.

Trong một diễn biến có liên quan, đầu năm 2020, VNR đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ GTVT về việc 2.800 tỷ đồng kinh phí hàng năm dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bị tạm ngừng giao do vướng mắc liên quan đến cơ quan chủ quản giao vốn sau khi VNR chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Uỷ ban thường vu quốc hội và Chính phủ đã cho phép bộ Giao thông Vận tải tiếp tục giao vốn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được thực hiện cơ chế tiếp tục sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 thông qua dự toán ngân sách nhà nước của bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Nguồn: Báo Đời sống và Pháp luật