Đắk Nông: Một bệnh nhân mắc bạch hầu diễn tiến nặng

Thứ sáu, 26/6/2020, 10:15

Trường hợp bị bạch hầu ác tính nặng nhất dẫn đến biến chứng tim, suy hô hấp là của một bé trai 13 tuổi tại Đắk Nông.


Tri thức trực tuyến đưa tin, chiều 25/6, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đoàn khảo sát của bệnh viện đã trực tiếp đến hỗ trợ kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên - nơi tiếp nhận điều trị các trường hợp mắc bạch hầu ở tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

Các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hầu hết là vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Ảnh: Công an nhân dân
TS Châu cho biết tính đến thời điểm khảo sát, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu. Trong 6 ca dương tính đang điều trị, có 4 trường hợp nhỏ tuổi, đang được điều trị tại khoa Nhi.

Trường hợp nặng nhất là bệnh nhi G.A.P. (13 tuổi, người H’Mông, ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong). Theo bác sỹ Trần Thuý Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhi nhập viện từ ngày 22/6, được các bác sỹ chẩn đoán bạch hầu ác tính trong tình trạng rất nguy kịch với các dấu hiệu sốt cao liên tục, cổ bò, biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhân chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây.

Qua hội chẩn, các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhận định đây là trường hợp bạch hầu ác tính, biến chứng tim, rối loạn nhịp và suy giảm chức năng co bóp tim.

Các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi ngay trong đêm. Sau đó, tình trạng huyết động của bé tạm ổn.

TS Châu đánh giá tình trạng của bệnh nhi còn khả năng diễn biến phức tạp nên sẽ xem xét chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục hồi sức tích cực và theo dõi sát.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trao đổi với phóng viên Công ann nhân dân, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh Bạch hầu, trong đó có một trường hợp tử vong.

“Qua công tác điều tra dịch tễ, ngành Y tế đã xác định có khoảng 550 trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh. Tất cả những trường hợp này đã được lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm và đã có 490 trường hợp có kết quả âm tính, số còn lại đang đợi kết quả”, bà Hạnh thông tin.

Cũng theo bà Hạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế Đắk Nông đã cắt cử trên 50 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện cùng hàng loạt trang thiết bị, phương tiện, thuốc, vật tư hoá chất thường trực 24/24h tại các ổ dịch, các hộ gia đình có người bị mắc bệnh và các hộ gia đình có liên quan đến các ca bệnh để thực hiện phun thuốc, khử trùng, khử khuẩn định kỳ 2 lần/ngày.

“Ngoài ra, những trường hợp nghi ngờ đều được cán bộ y tế hướng dẫn, điều chuyển đến các Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thực hiện cách ly, điều trị tránh lây nhiễm bệnh ra cộng đồng”, bà Hạnh cho biết thêm.

Trong khi đó, theo bác sỹ Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết: “Đến nay, nguồn lây bệnh tại các ổ dịch Bạch hầu vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, việc điều tra, truy tìm nguồn gốc lây bệnh không cần thiết như COVID-19. Nguyên nhân là ổ chứa vi khuẩn bạch hầu ở người bệnh và người lành mang trùng. Đây là bệnh nội tại, có trong cộng đồng do đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn nguồn lây lan”.

Nguồn: Báo Đời sống và Pháp luật