Đại dịch COVID-19 đã thực sự thay đổi hành vi và thái độ của người tiêu dùng

Theo Khảo sát của IBM, đại đa số người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ tương lai bền vững...

Cuộc khảo sát của IBM được thực hiện với trên 14 ngàn người tiêu dùng tại các quốc gia thuộc châu  Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, người tiêu dùng đã thực sự nhìn nhận được sự cần thiết của phát triển bền vững. Thậm chí, họ chấp nhận giảm lương cho một hành tinh xanh hơn.

Chín trong số 10 người tiêu dùng được khảo sát cho biết đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến quan điểm của họ về tính bền vững của môi trường và đó là yếu tố hàng đầu được họ quan tâm, nhiều hơn cả cháy rừng, thảm họa do các sự kiện thời tiết và thiên tai.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của người tiêu dùng giữa các khu vực địa lý, trong đó người Mỹ là nhóm khách hàng ít quan tâm nhất tới tính bền vững. Chỉ 51% người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với họ, so với 73% người được hỏi từ tất cả các quốc gia khác.

“Người dân toàn cầu ngày càng lo ngại về cuộc khủng hoảng khí hậu, các doanh nghiệp trong mọi ngành đang tìm cách hành động khẩn cấp để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và nhà đầu tư cũng như giải quyết những thách thức về tính bền vững của chính họ,” Tiến sĩ Murray Simpson, Trưởng bộ phận phát triển bền vững và chuyển đổi khí hậu của Tập đoàn IBM toàn cầu cho biết. “Nhiều công ty đang bắt đầu thực hiện những bước tiến táo bạo để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và minh bạch hơn hoặc cải thiện việc quản lý năng lượng và giảm lượng khí thải carbon với sự trợ giúp của các công nghệ sáng tạo như AI và Blockchain”.

Theo khảo sát này, nhiều người tiêu dùng ngày càng sẵn sàng thay đổi cách họ mua sắm, đi du lịch, lựa chọn nơi làm việc và thậm chí cả những đầu tư cá nhân do các yếu tố liên quan tới môi trường bền vững.

71% nhân viên và người đang tìm việc được khảo sát nói rằng các công ty có kế hoạch phát triển bền vững với môi trường là những nhà tuyển dụng hấp dẫn hơn. Ngoài ra, hơn hai phần ba lực lượng lao động tiềm năng cho biết họ có nhiều khả năng xin và chấp nhận công việc tại các tổ chức doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội - và gần một nửa sẽ chấp nhận mức lương thấp hơn để làm việc cho các tổ chức đó. Đồng thời, chưa đến một nửa số người tiêu dùng được khảo sát (48%) tin tưởng vào các cam kết của doanh nghiệp về tính bền vững, với 64% số người được hỏi mong đợi sự giám sát của công chúng sẽ tăng lên trong năm tới.

Bên cạnh đó, có gần một nửa (48%) tất cả các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát cho biết họ cân nhắc tính bền vững trong danh mục đầu tư của họ và hơn 1/5 (21%) nói rằng họ sẽ cân nhắc trong tương lai. 59% các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát dự kiến ​​sẽ mua hoặc bán cổ phiếu đang nắm giữ trong năm tới dựa trên các yếu tố bền vững về môi trường. Đáng ngạc nhiên là có tới 92% các nhà đầu tư cá nhân được khảo sát cho rằng rủi ro khí hậu chính là rủi ro tài chính.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã có nhiều ảnh hưởng tới tình hình tài chính của các nhà đầu tư cá nhân, 54% người được khảo sát sẵn sàng chi trả cao cho các thương hiệu bền vững hoặc có trách nhiệm với môi trường. Ngoài ra, 55% người tiêu dùng được khảo sát cho biết tính bền vững là rất quan trọng đối với họ khi lựa chọn một thương hiệu. Tỷ lệ này trong một khảo sát tương tự do IBM thực hiện trước đại dịch chỉ đạt 22%. Sáu trong mười người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Liên quan đến du lịch, gần một phần ba số người được hỏi tin rằng thói quen du lịch cá nhân của họ góp phần gây ra biến đổi khí hậu. 82% người tiêu dùng được khảo sát trên toàn cầu sẽ chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn ngay cả khi chi phí cao hơn.

Được biết, cuộc khảo sát này được thực hiện với hơn 14 ngàn người trưởng thành (trên 18 tuổi) tại các quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Anh quốc, CHLB Đức, Tây Ban Nha, Mexico, Brazil và Trung Quốc trong tháng 3/2021 để hiểu thêm về hành vi và thái độ người tiêu dùng về môi trường bền vững. Viện Giá trị doanh nghiệp (IBV) của IBM là đơn vị nghiên cứu dẫn đầu với vô số các khảo sát chuyên sâu được thực hiện trên quy mô toàn cầu. Danh mục về các khảo sát và nghiên cứu thị trường của IBV bao gồm nghiên cứu sâu, đo điểm chuẩn và so sánh hiệu suất cũng như trực quan hóa dữ liệu hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh giữa các khu vực, ngành công nghiệp và nền tảng công nghệ.