Tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh

Trong quý 1/2021, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 38,0%, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phục hồi kinh tế.

Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, trong quý 1/2021, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 38,0%. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất (57,2%), leo dốc với mức tăng 74,23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 290,1 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư từ khu vực nhà nước tăng 9,19% so với cùng kỳ năm trước, đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,1% nhờ vào nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVD-19. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,49% so với cùng kỳ năm 2020 (âm 5,40%), đạt 95.1 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,7%. 

Trong quý 1/2021, tổng vốn thực hiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng nhẹ 5,13% so với cùng kì năm 2020. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới và bổ sung đạt 9,32 tỷ USD, mức cao nhất kể từ Quý 3/2018. Vốn đầu tư nước ngoài đăng kí mới và bổ sung năm 2020 tăng mạnh 40,6% nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh thành công đem đến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh-sản xuất tại Việt Nam. 

Báo cáo của VEPR chỉ rõ, trong quý 1/2021, Singapore tiếp tục là quốc gia có vốn đầu tư FDI lớn nhất với 4,4 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn FDI, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Nhật Bản đạt 2,0 tỷ USD, tăng đến 570,7% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc đứng thứ ba, đạt 1,07 tỷ USD, tăng 161,7%; Trung Quốc đạt 0,93 tỷ USD, tăng 45,8%. 

Cũng trong quý 1, 234 dự án mới được cấp phép với vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số dự án giảm mạnh là kết quả của sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020, gây ảnh hưởng tới tình hình cấp mới và điều chỉnh các dự án FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, số dự án quy mô lớn tăng, dẫn đến tổng vốn đăng ký mới tăng. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất Quý 1 với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5 tỷ USD, chiếm 49,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp theo ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt gần 3,9 tỷ USD, chiếm 38,9%. Ngành sản xuất và phân phối điện (năng lượng sạch) là một trong những ngành có tiềm năng lớn do nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam ngày càng gia tăng và đang được Chính phủ ưu tiên hàng đầu trong đầu tư.

Một số dự án đầu tư nổi bật trong ba tháng đầu năm 2021 bao gồm dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của Singapore với vốn đầu tư đăng ký 3,1 tỷ USD mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của Nhật Bản với vốn đầu tư 1,31 tỷ USD mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ; dự án LG Display Hải Phòng của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 750 triệu USD...

Sản xuất lấy lại đà tăng trưởng

Cũng theo báo cáo của VEPR, dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong năm 2020. Đến năm 2021, mặc dù đã có sự cải thiện về điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất nhờ thành công trong việc kiểm soát đại dịch, chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn. 

Trong tháng Một, chi phí đầu vào với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2018, khiến PMI giảm nhẹ so với tháng 12, đạt 51,3 điểm. Tuy nhiên, chỉ số PMI đang có xu hướng tăng ở các tháng tiếp theo của Quý 1/2021, dừng ở mức 53,6 điểm vào tháng Ba, cho thấy nhu cầu trên thị trường có dấu hiệu đang cải thiện vững chắc và các doanh nghiệp dần dần phục hồi quy mô sản xuất. 

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý 1/2021 cho thấy, có 29,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2021 tốt hơn quý 4/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 39,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Kết quả này kém khả quan hơn so với Quý 4/2020 (các con số  lần lượt là 40,6%; 24,7%; 34,7%), cho thấy làn sóng COVID-19 thứ ba đã ảnh hưởng tiêu cực tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp. Dự kiến Quý 2/2021 so với Quý 1/2021, có 51,0% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong quý 1 năm 2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thấp hơn 1,4% so với cùng kì năm trước. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020, còn 14,7 nghìn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký cao hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 447,8 nghìn tỷ đồng do có sự gia tăng về số doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%). Số lao động đăng ký cũng tăng 0,8% lên 245,6 nghìn lao động. 

Trong năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 35,53 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.