Đằng sau nguồn tiền đầu tư chứng khoán như thác lũ của người Việt

Với những người trẻ, việc đầu tư chứng khoán khả thi hơn vì lượng vốn không cần lớn, trong khi kênh đầu tư này lại rất kích thích về mặt trí tuệ, thử thách tâm lý và khả năng phân tích, phán đoán.

F0 liên tục gia tăng 

Chị Nguyễn Thanh Vân (32 tuổi, Hà Nội) vốn là một nhân viên văn phòng kiểu truyền thống: Thu nhập tương đối đều đặn khoảng 15 triệu đồng/tháng và hàng năm, nguồn tiền nhàn rỗi sẽ được chị gửi ngân hàng.

Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, lãi suất tiết kiệm xuống thấp, chị Vân cũng theo chân một số đồng nghiệp trong công ty mở tài khoản chứng khoán để có thể cải thiện phần nào thu nhập.

"Một số người bạn của tôi tham gia thị trường vào đúng đáy là tháng 4 năm ngoái, có lãi đáng kể. Tôi mới mở tài khoản hồi tháng 6 và sau 2 tháng tìm hiểu, tôi mới dám bỏ tiền vào đầu tư nghiêm túc" - chị Vân cho hay.

Số lượng những người chơi mới (thường gọi là các F0) như chị Nguyễn Thanh Vân không ngừng gia tăng đã thúc đẩy thị trường chứng khoán 2 năm trở lại đây sôi động hơn bao giờ hết.

VN-Index từ vùng 662 điểm hồi cuối tháng 3/2020 hiện đang chinh phục vùng 1.460 điểm và đang được kỳ vọng sẽ cán mốc 1.500 điểm trong năm nay.

Ngoài những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn ghi nhận sự phát triển không ngừng của các nhà đầu tư chứng khoán "không chuyên", họ là những người làm công ăn lương, kỹ sư, bác sĩ, người lao động phổ thông… cho đến những doanh nhân, chủ doanh nghiệp.

Nguyễn Anh Phong (30 tuổi, TPHCM) là một nhân viên IT chia sẻ: "Với những người trẻ, việc đầu tư chứng khoán khả thi hơn vì lượng vốn không cần lớn, trong khi nếu đầu tư bất động sản thì vốn phải rất lớn. Hơn nữa, đầu tư chứng khoán kích thích người trẻ tham gia do tính trí tuệ cao, thử thách tâm lý, khả năng phân tích, phán đoán của nhà đầu tư".

Số liệu chính thức từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố cho thấy, trong tháng 10 vừa qua, cả nước có thêm 129.564 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước được mở mới, tăng gần 13% so với tháng 9.

Con số này chỉ đứng sau con số kỷ lục 140.054 tài khoản được mở mới vào hồi tháng 6. Qua đó đưa lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước trong 10 tháng lên 1.085.645 tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020.

Thậm chí, số tài khoản mới mở chỉ trong vòng 10 tháng này còn cao hơn cả số tài khoản tích lũy trong 4 năm liên tục từ năm 2017 đến năm 2020 (với 1.028.321 tài khoản).

Tháng 10 cũng ghi nhận tháng thứ 8 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam vượt mốc 100.000 tài khoản. Tính chung 10 tháng có gần 1,09 triệu tài khoản của nhà đầu tư mới mở trên thị trường.

Điều này cho thấy xu hướng đầu tư chứng khoán của người dân ngày một mạnh mẽ hơn và cũng lý giải cho sự bùng nổ về thanh khoản của thị trường trong thời gian gần đây.

Thanh khoản kỷ lục

Thanh khoản thị trường từ mức chỉ đạt chưa tới 5.000 tỷ đồng/phiên hồi đầu năm ngoái thì đến nay, có thời điểm đã lập kỷ lục với giá trị giao dịch lên tới gần 52.000 tỷ đồng phiên 3/11. Các phiên giao dịch với quy mô trên 30.000 tỷ đồng trở thành bình thường.

Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, đến cuối quý III, số dư tiền gửi của khách hàng khoảng 92.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với quý trước và đạt con số kỷ lục trong lịch sử.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tích cực sử dụng đòn bẩy tài chính để tối ưu hóa lợi nhuận. Dư nợ cho vay tại 60 công ty chứng khoán hàng đầu đạt kỷ lục, gần 154.000 tỷ đồng tính đến cuối quý III.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất lớn do dư địa người chơi mới còn nhiều. Số lượng người có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% dân số cả nước và mới tương đương với tỷ lệ người dân Đài Loan có tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân vào năm 1986.

Nhìn chung, tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán ở Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với các thị trường phát triển trong khu vực và trên thế giới (đó là chưa tính đến trường hợp một cá nhân có thể có nhiều tài khoản tại các công ty chứng khoán khác nhau).

Nhìn chung, tại nhiều quốc gia, chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư đại chúng, theo đó, nhiều người coi đây là một kênh tích trữ tài sản lâu dài và hiệu quả hơn là một cuộc dạo chơi, "đánh quả".