Bộ trưởng Tô Lâm: Còn nhu cầu vay và cho vay thì tín dụng đen còn “đất” hoạt động

07:40, 11/08/2022

Giải trình ý kiến liên quan đến vấn đề giải quyết triệt để tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, chừng nào còn nhu cầu vay và cho vay thì tín dụng đen còn “đất” hoạt động.  

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn ngày 10/8

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn ngày 10/8

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề giải quyết triệt để tín dụng đen.

Cụ thể, tham gia chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng: Thời gian vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Hiện nay có một thực trạng là bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên quyền sở hữu nhà, tài sản hoặc quyền sử dụng đất như một biện pháp để thế chấp, cầm cố hoặc để làm tin, đến khi bên đi vay không thể trả được nợ, lãi mẹ đẻ lãi con thì bọn chúng sẽ đi sang nhượng nhà đất, tài sản đó cho người khác mà chủ sở hữu không thể đứng ra ngăn cản được và các cơ quan chức năng rất khó trong việc thu thập chứng cứ để xử lý. Trước thực trạng trên, Bộ Công an có biện pháp gì để đấu tranh, xử lý trong thời gian tới?

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi gửi câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đó là hiện nay có thực trạng khi người dân vay ở các ngân hàng, đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao để trả vào trong ngân hàng để làm thủ tục vay lại. Đại biểu băn khoăn Thống đốc có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới? 

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đặt câu hỏi, hệ luỵ của của hoạt động tín dụng đen thường dẫn đến hành vi phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và làm cho nhiều người bước vào vòng lao lý. Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, hiện nay còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến tướng phức tạp, nhất là cho vay qua không gian mạng, thủ tục vay đơn giản. Với trách nhiệm của mình, Bộ Công an có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả vấn đề này? 

Trong khi đó, đại biểu Lưu văn Đức (Đắk Lắk) lại băn khoăn việc có thể giải quyết triệt để tình trang tín dụng đen và cho vay nặng lãi hay không?

Đại biểu nêu vấn đề, thời gian qua, tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi lạ đã ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự xã hội và đời sống của người dân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có thể giải quyết triệt để tình trạng trên hay không để người dân được an tâm sinh sống. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc quy định thu phí đối với người dân khi lấy thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì những người nghèo, những đối tượng chính sách có được ưu tiên, ưu đãi gì không?

Giải trình ý kiến liên quan đến vấn đề giải quyết triệt để tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, chừng nào còn nhu cầu vay và cho vay thì tín dụng đen còn “đất” hoạt động.

Người đứng đầu ngành công an khẳng định 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet.

Gần đây, ngành Công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới nghìn tỷ đồng. 

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhu cầu tín dụng đen trong nhân dân rất lớn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu các giải pháp trong thời gian tới, đó là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa.

Đồng thời cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải không phải đi vay tín dụng đen.

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp căn cơ hiện nay sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.

Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự. Vì vậy ngành Công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn ngày 10/8